Công tác xử lý nước thải tại các KCN ở Việt Nam thường gặp khó khăn về điều hành, quản lý và thường xuyên thiếu vốn đầu tư. Chiến lược quản lý nước thải tổng hợp AKIZ sẽ cho thấy công nghệ và cách vận hành phù hợp nhất và lợi ích khi áp dụng các giải pháp cụ thể.Đặc biệt, các Ban quản lý KCN, các nhà đầu tư và định chế tài chính (các ngân hàng tài trợ) cũng như các cơ quan lập pháp và giám sát có thể hưởng lợi từ dự án.
Thông thường, bất cứ một chiến lược quản lý nước thải khu công nghiệp hợp lý nào phải là kết hợp của xử lý tập trung và xử lý phân tán, các giải pháp kỹ thuật và tổ chức, vận hành. Nhà máy xử lý nước thải tập trung sẽ không hiệu quả nếu thiếu công đoạn tiền xử lý để tách các chất độc hoặc các chất cản trở quá trình xử lý tập trung. Việc tái sử dụng nước, các chất có giá trị và năng lượng từ nước thải có thể thường đem lại lợi ích nhiều hơn trong công đoạn xử lý phân tán tại nguồn, tại nhà máy xí nghiệp – nơi có thể kết hợp sản xuất tiết kiệm nước và năng lượng.
Chiến lược quản lý tổng hợp cần thiết để đảm bảo xử lý nước thải KCN một cách tối ưu nhất. Một mô hình tài chính - một hợp phần quan trọng của chiến lược - sẽ tính toán các đầu tư cần thiết, ngân sách vận hành (bao gồm cả công tác bảo dưỡng và giám sát bền vững), và dòng tiền dự kiến với khả năng trả nợ.
Ngoài công tác điều phối dự án nghiên cứu chung, Tiểu dự án 1 còn đảm nhận việc phát triển và thử nghiệm một chiến lược quản lý tổng hợp, toàn diện (AKIZ) về xử lý nước thải tại các khu công nghiệp thuộc địa bàn khí hậu nhiệt đới ở Việt Nam và các nước mới nổi tương tự.
Dựa trên kết quả từ các tiểu dự án, chiến lược quản lý tổng hợp AKIZ một mặt sẽ tích hợp giải pháp xử lý tập trung và phân tán, tại nguồn trong xử lý nước thải công nghiệp, mặt khác kết hợp các lĩnh vực về công nghệ và kinh tế. Chiến lược sẽ bao gồm tất cả các chức năng liên quan nhằm vận hành bền vững cơ sở hạ tầng nước thải trong KCN trong điều kiện cụ và khung thể chế cụ thể của địa phương.
Chiến lược sẽ dựa trên một hệ thống quan trắc và kiểm soát hoàn chỉnh trong đó lưu ý đến công tác kiểm soát chất lượng vận hành hàng ngày, bao gồm cả tính toán chi phí và thu hồi vốn đầu tư vào tất cả các trang thiết bị cũng như chi phí tổ chức, quản lý trong KCN.
Để hoàn chỉnh chiến lược quản lý, các lĩnh vực liên quan như rác thải, các khu đất ô nhiễm cũng như các lĩnh vực sinh thái, xã hội liên quan đến áp dụng AKIZ cũng sẽ được nghiên cứu. Việc thực hiện bền vững AKIZ sẽ được hỗ trợ thông qua nâng cao năng lực của các bên liên quan và đối tác địa phương.
Các nhà thầu phụ cung cấp dịch vụ cho tiểu dự án này bao gồm:
Đại học Công nghệ Dresden - Viện Quản lý nước và khu vực ô nhiễm
Đại học Tổng hợp Bielefeld - Khoa Xã hội học
Đại học Khoa học ứng dụng Bremerhaven - Viện Kinh tế và Hợp tác nhà
nước- tư nhân (PPP)
Hiệp hội doanh nghiệp Cấp thoát nước Đức (GWP)
IEEM gGmbH – Viện Công nghệ môi trường và Quản lý
tại Đại học Witten/Herdecke
Đại học Khoa học tự nhiên (HUS)
Đại học Kinh tế quốc dân (NEU)